Sốt ngon cho đồ ăn thêm ngon nhé!

Chuẩn bị những nguyên liệu sau:

–          90gr sốt mayonnaise

–          30gr sữa chua

–          Một chút xíu bột carry

–          Nước chanh tươi

–          1 nhánh tỏi lớn

–          Dầu ăn

–          Bột hành

–          Hạt tiêu

–          Muối
Đến phần hành động này:

Bước 1:

– Trộn đều hỗn hợp mayonnaise và sữa chua.

Bước 2:

– Sau đó là bào nhỏ tỏi vô nè!

Bước 3:

– Tiếp đến là bột cari, hạt tiêu, bột hành và muối. Các bạn phải nêm nếm sao cho vừa miệng đấy!

Bước 4:

– Vắt thêm vào một ít nước cốt chanh, thêm một giọt dầu ăn và vài giọt nước sốt Tabasco (hoặc tương có vị cay).

Bước 5:

– Thái nhỏ hành hoa rắc đều lên, cho thêm một chút rau mùi tây khô và bột hành nữa nhé!

Tèn ten, xong rồi nè. Chắc chắn các bạn sẽ nghiền món nước sốt này đấy!

Cứ thử mà xem!

Khéo tay pha nước chấm

Để có bát nước chấm đẹp mắt
Trước hết bạn phải quan niệm rằng nước chấm là một thành phần quan trọng không kém gì các món ăn được chế biến cầu kỳ. Như vậy, bạn cũng cần có sự đầu tư cần thiết cho món nước chấm từ khâu mua gia vị đến khâu pha chế.

Trước hết bạn phải quan niệm rằng nước chấm là một thành phần quan trọng không kém gì các món ăn được chế biến cầu kỳ. Như vậy, bạn cũng cần có sự đầu tư cần thiết cho món nước chấm từ khâu mua gia vị đến khâu pha chế.

Món ăn sẽ ngon hơn rất nhiều khi được chấm với nước chấm đầy đủ gia vị. Ví dụ như món cá rán, chả nướng, nem rán… Với những món ăn này cần phải ăn nóng ngay sau khi nấu xong. Vì vậy bạn nên pha nước chấm trước khi đồ ăn chín.
Món ăn sẽ ngon hơn rất nhiều khi được chấm với nước chấm đầy đủ gia vị
Một số gia vị dùng để phối hợp làm nước chấm cần phải sơ chế sạch, ngâm giấm hoặc nước sôi để nguội trước khi pha ít nhất là 15 phút.
Lá chanh thái chỉ, gừng đập nhỏ hoặc thái chỉ xong ngâm với nước lọc, tỏi, ớt băm nhỏ ngâm giấm…
Tùy theo từng món ăn mà xác định mùi vị của loại nước chấm cho phù hợp. Cùng một loại nước chấm chua – cay – mặn – ngọt được pha bằng nước mắm – giấm – đường – tỏi – ớt, nhưng nếu dùng để ăn nem rán, chả nướng thì vị của nước chấm cân đối, chỉ chua dịu, hơi ngọt, không mặn quá.
Lá chanh thái chỉ, gừng đập nhỏ, ớt băm nhỏ ngâm giấm…

Nếu vẫn là loại nước chấm này mà đánh với bột đao làm xốt chua ngọt để chấm các món bao bột chiên thì khi pha phải đậm đà, nổi các vị hơn, để khi đun chín lên, mùi vị mới vừa.

Đa số các loại nước chấm chưa pha chế gì như nước mắm, nước tương đều có vị mặn. Khi muốn pha loãng cho nhạt bớt phải tùy từng loại mà pha cho phù hợp. Với nước mắm nên pha loãng với nước đun sôi để nguội, với tương nên cho nước rồi vào đun sôi, sau đó nếu loãng quá có thể rắc thêm một chút thính gạo rang hoặc thính đậu tương.
Để có bát nước chấm ngonNhờ nước chấm mà hương vị của món ăn được tôn lên bội phần. Mỗi món ăn có một loại nước chấm riêng. Muốn nước chấn ngon không những phải có đầy đủ gia vị mà pha chế cũng phải đúng trình tự.

Nếu nước mắm mặn thì pha một chút nước lọc, thêm chút đường

Nước mắm chanh – ớt thường dùng để chấm rau muống luộc, thịt lợn luộc, cá rán. Khi pha, nên dùng chanh cốm vắt lấy nước, nhớ bỏ hạt. Cho ớt thái khoanh tròn nhỏ vào ngâm 15 phút với nước cốt chanh. Sau đó cho nước mắm ngon vào. Nếu nước mắm mặn thì pha một chút nước lọc, thêm chút đường.

Mắm tôm – chanh – ớt hợp để chấm chả cá, thịt chó, đậu phụ rán. Nên chọn loại mắm tôm xanh, mịn, có mùi thơm đặc trưng. Cho đường, nước cốt chanh vào đánh kỹ với mắm tôm tới khi nổi bọt trắng mịn thì cho thêm ớt tươi thái khoanh nhỏ vào trộn đều. Nếu mắm tôm bị mặn có thể cho thêm chút nước sôi. Bạn nên đun cả nước và mắm tôm sôi đều sẽ đảm bảo vệ sinh hơn.
Với các món nem rán, chả nướng, bánh tôm, bún bò khô… thì chấm với nước chấm có đủ các vị chua – cay – mặn – ngọt. Trước hết, đem băm nhỏ tỏi, ớt ngâm giấm khoảng 30 phút. Tiếp đến hòa nước sôi để nguội với đường, sau đó rót từ từ nước mắm vào. Cuối cùng đổ bát giấm, ớt, tỏi hòa cho đều.
Với các món nem rán, chả nướng, bánh tôm, bún bò khô… thì chấm với nước chấm có đủ các vị chua – cay – mặn – ngọt

Để có các vị chua – cay – mặn – ngọt cân đối thì nên pha với tỷ lệ sau: 30g giấm, 30g đường, 30g nước mắm, 100g nước lọc, tỏi ớt vừa đủ sẽ được khoảng một bát ăn cơm nước chấm.

Cùng một loại nước chấm chua – cay – mặn – ngọt như trên, nhưng nếu để chấm với các món bao bột như tôm bột rán, cá tẩm bột rán, đùi ếch tẩm bột… thì bạn chỉ cần giảm lượng nước xuống còn 50g, sau đó hòa chút bột đao, đem đun sôi, sẽ được nước chấm như ý.
Theo Thúy Hằng
Monngonhanoi

Chọn nước mắm ngon, tốt cho sức khỏe

TP – Làm thế nào để chọn được loại nước mắm ngon, tốt cho sức khỏe, giá phù hợp? Câu trả lời là hãy chú ý tới độ đạm, nguồn nguyên liệu, nơi sản xuất, nơi chế biến nước mắm.

Ảnh minh họa

Theo một điều tra mới đây của Tổng cục Thống kê, mỗi năm thị trường Việt Nam cần hơn 200 triệu lít nước mắm.

Với hơn 95 phần trăm hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng nước mắm để chấm, ướp và nấu trong các bữa ăn quanh năm, đây quả là một thị trường hấp dẫn.

Đây chính là lý do khiến có quá nhiều công ty tham gia thị trường này và người tiêu dùng rối khi lựa chọn hàng hóa cần thiết cho mỗi bữa ăn hằng ngày.

Yếu tố nào quyết định khi mua nước mắm?

Chúng tôi thực hiện một cuộc phỏng vấn nhanh những người xung quanh về việc chọn mua nước mắm. Kết quả cho thấy khá thú vị: Đa số người mua dựa vào thương hiệu, tiếp theo là xem xét tới dung tích và sau đó mới quan tâm tới giá. Có người cẩn thận hơn có ngửi hoặc nếm.

Chúng tôi cũng dễ dàng nhận thấy phần đông người được hỏi (khoảng 60 phần trăm) không mấy quan tâm đến độ đạm, dù 20 phần trăm trong số đó biết nước mắm ngon hay không là phụ thuộc vào độ đạm.

Ngoài ra, 40 phần trăm số người được hỏi còn lại có so sánh giữa Độ đạm – Giá cả – Thương hiệu khi mua nước mắm. Tuy nhiên, độ đạm bao nhiêu, nước mắm được xếp vào loại nào thì ít ai biết rõ, dù họ nhận thức được rằng độ đạm có cao, nước mắm mới ngon.

Có thể thấy rằng, người tiêu dùng rất chú ý tới thương hiệu, nhưng họ vẫn còn ít có sự cân nhắc, so sánh tương quan giữa thương hiệu với giá cả và chất lượng. Đây là thói quen mua sắm nên được thay đổi, bởi với nước mắm, vấn đề cốt tử quyết định đến chất lượng đó là độ đạm.

Độ đạm càng cao, nước mắm càng ngon

Nước mắm có thể được làm từ nhiều loại cá như cá linh, cá thiểu, cá cơm, cá thu, cá đối, cá quả. Nói đến nước mắm ngon, những nhà sản xuất nổi tiếng cũng như người tiêu dùng rất sành thường liên tưởng tới năm vùng được mệnh danh là làng mắm như Phan Thiết, Phú Quốc, Nha Trang, Nam Ô (Đà Nẵng) và Cát Hải (Hải Phòng).

Đây là những địa danh đã trở thành chỉ dẫn địa lý và thương hiệu quen thuộc và gần gũi trong tâm lý người tiêu dùng.

Ở Việt Nam, theo phương pháp cổ truyền, nước mắm được làm từ lên men cá, muối và nước. Ngoài ra, có thêm đường, chất bảo quản, màu tự nhiên. Tùy loại cá và thành phần nguyên liệu mà nước mắm có chất lượng và hàm lượng đạm khác nhau.

Hàm lượng đạm là một trong những yếu tố để phân loại chất lượng cho nước mắm. Căn cứ theo Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107:2003) thì độ đạm trên 300 N, nước mắm được xếp vào loại đặc biệt. Độ đạm vượt 250 N, nước mắm được xếp vào loại thượng hạng. Độ đạm hơn 150 N, nước mắm được xếp hạng 1. Và nước mắm có độ đạm chỉ trên 100 N thì được xếp hạng 2.

Nếu nhãn mác của sản phẩm không ghi rõ chỉ số độ đạm, khách hàng không nên chọn vì đây là chỉ số bắt buộc. Những chai nước mắm không có yếu tố này là vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa.

Giá tùy vào độ đạm

Một trong những yếu tố quyết định chính giá thành của nước mắm là độ đạm. Do vậy, để có giá thành sản phẩm thấp mà không làm giảm lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp thêm các chất điều vị và phụ gia, hoặc pha loãng nước muối nhiều lần.

Nhiều cơ sở sản xuất theo quy trình: Cá và muối được đựng trong thùng gỗ, phuy nhựa hoặc bể xi măng không đậy nắp, phơi ngoài trời, ướp cá trong thời gian dài. Quy trình này không đảm bảo vệ sinh và giảm chất dinh dưỡng của nước mắm.

Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn mua nguồn nước mắm này về pha chế. Khi tung sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp lại dùng các thủ thuật như ghi thông tin độ đạm ở nơi khó nhìn thấy, cỡ chữ nhỏ hoặc dùng chiêu ghi nhãn hấp dẫn kiểu chung chung, thiếu rõ ràng (nước mắm cốt/nhĩ) hoặc ghi tên hương vị thu hút.

Không ít doanh nghiệp còn dùng chiêu thức quảng cáo như có lợi cho sức khỏe, nước mắm sạch, tuyệt đối đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm lôi kéo người tiêu dùng.

Thực ra, khá nhiều loại nước mắm trên thị trường hiện nay có sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, là điều mà người tiêu dùng đang rất cần câu trả lời của các cơ quan quản lý nhà nước.

Vì vậy, người tiêu dùng  nên lựa chọn đúng chai nước mắm ngon, đảm bảo dinh dưỡng cho cả gia đình. Đó là loại nước mắm có độ đạm cao, màu đặc trưng (vàng, vàng rơm, cánh gián) trong suốt, mùi vị thơm dịu.

Người tiêu dùng hãy sử dụng quyền biểu quyết nói “Không” với các sản phẩm có nhãn mác ghi thông tin không rõ ràng, lập lờ các yếu tố quan trọng….

Riêng với nước mắm, chú ý tới  độ đạm, nguồn nguyên liệu, nơi sản xuất, nơi chế biến trước khi mua là cân nhắc đúng đắn.

Thảo Nguyên